Kinh nghiệm đậu đại học sau khi thi rớt

 

Kinh nghiệm đậu đại học sau khi thi rớt

Thông thường mọi người hay tìm hiểu kinh nghiệm học-ôn thi sao cho đậu đại học. Nay tôi mạn phép viết về cách suy nghĩ và học tập sao cho đậu đại học sau khi thi rớt. Tôi nay đã tốt nghiệp trường ĐH Bách Khoa TP HCM cách đây 3 tháng.

 

Năm 2004 tôi là đứa học sinh với học lực khá. Cũng bao như bạn bè cùng lớp, tôi khát khao thi đỗ đại học của ngôi trường và ngành học mà mình mong muốn. Chỉ trong 2 năm 11+12 tôi mới nhận ra mình nên lo cái gì đó cho bản thân trong tương lai nên tự thân chú tâm vào học.

Từ một học sinh điểm xếp hạng tốp giữa của lớp nhưng khi thi ĐH lần thứ nhất tôi xếp thứ 3 của toàn lớp, nhưng năm đó tôi thiếu 1,5 điểm nên trượt ĐHBK. Với bao nhiêu sự tin tưởng của ba mẹ và cả bao nhiêu sự nghi ngờ của một số thầy cô và bạn bè, tôi đã rớt. Cảm giác do chưa chín chắn cộng với công sức ôn luyện bỏ ra và đặc biệt là việc đề thi thì trong khả năng làm được nhưng tính toán lại ra kết quả sai làm tôi bứt rứt nhất, tiếc nuối nhất.

Tôi lâm vào tâm trạng buồn bã, tiếc nuối, tức giận bản thân. Trong vài ngày đầu tiên biết kết quả tôi đã khóc một mình, đấm tay không vào tường rớm máu, đập đầu vào tường tự trách sao mình không cẩn thận một chút xíu nữa là đậu rồi. Dồn nén trong đầu là sự bực tức và ôm nỗi buồn mong mỏi của ba mẹ. Nhìn ánh mắt mẹ, mẹ rơm rớm nước mắt nói với cả nhà "con mẹ sao học hành giỏi giang mà sao xui quá, điểm cao mà lại thi rớt còn mấy đứa khác thì điểm có bao nhiêu đâu mà cũng đậu ĐH". Tôi chẳng để ý lời mẹ nói, tôi chỉ biết mẹ thương tôi và buồn cho tôi thi rớt. Ba thì mắt đăm đăm chất chứa nỗi buồn cho con trai và có chút thất vọng, suốt ngày ba đọc báo và nói toàn chuyện xét tuyển với tôi.

Tôi thương ba cũng vì thấy ba dán mắt vào mấy tờ báo để lo lắng cho tôi. Cả tháng liền khó mà tìm ra nụ cười của ba mẹ, trong khi bạn bè thì tranh thủ hành trang đi học rồi thiết đãi bạn bè thầy cô khi nhận giấy báo. Năm đó tôi đậu vào trường CĐ công nghiệp 4 TP HCM cũng có chút an ủi. Ba mẹ tôi vẫn cổ vũ tôi lên đường nhập học, nhưng sau 3 tháng tôi lại ấm ức về kỳ thi ĐH vừa qua mà không thể yên tâm học được (một phần ngành học không như mong muốn). Khi về lại quê nhà, bạn bè đi học gần hết, người quen thì hỏi tôi đi học sao lại quay về, tôi có cảm giác mọi người xem tôi là trèo cao nên té đau. Tôi biết một số bạn bè và thầy cô có nghĩ vậy nhưng tôi bỏ qua hết vì họ đâu có thấy rõ thực lực của tôi, còn tôi đi thi thì biết mình có đủ khả năng.

Trút hết mọi sự vướng bận trong suy nghĩ. Tôi gặp lại các bạn bè cũng rớt như tôi và tụ tập lại thành nhóm vừa học vừa chơi cho đỡ buồn và có khí thế ôn luyện. Có 2 xu hướng ôn khác nhau. Một là như tôi và các bạn nhóm tôi, tụ tập lại đến gặp các thầy cô đã dạy mình trước đó, tiếp tục luyện các đề thi trên tinh thần chiến đấu vui vẻ y như xưa. Hai là nhóm khác đi tìm các lò luyện thi ở xa nhà, hoặc lên các thành phố ôn thi.

Trong khi nhóm một thì vui vẻ học tập bên gia đình và bạn bè còn lại, bên thầy cô quen thuộc hiểu mình và có trách nhiệm với mình, chúng tôi hoàn toàn yên tâm ôn luyện, ăn uống đầy đủ, tập thể dục và đi chơi thoải mái đầu óc. Nhóm thứ hai thì tứ phương trời tản nhau đi đâu mất, kiếm nơi nào thật nhộn nhịp để thuê nhà trọ mà ôn luyện, chưa biết học được gì nhưng phải tốn tiền và thời gian lặt vặt như tìm nhà trọ, để quen với khu vực mới, nhớ nhà...

Tôi tự phân tích lý do mình rớt và học tập lại với kế hoạch mới, ôn luyện rõ ràng, phần nào chưa rõ phải hỏi thầy và bạn bè ngay. Giải bài phải theo phương pháp, theo dạng và đã làm là phải làm chính xác cho ra kết quả đúng. Càng ôn luyện tôi càng thấy đề thi sắp ra như món thịt gà béo bở chỉ đợi ta mài cái dao cho thật sắc để mổ xẻ cắt ra ăn ngon lành chứ không phải nhìn thấy ngon mà ăn không được như năm ngoái. Ôn đến đâu, hiểu rồi thì phải nắm gọn nó như cầm vàng trong lòng bàn tay vậy. Vì đơn giản, biết cái gì rõ thì nhất định làm được nên phải quý và chắc chắn.

Phương pháp ôn thì có nhiều và hay hơn tôi viết nên tôi muốn chia sẻ ở đây là tâm trí ôn luyện như thế nào:

Chắc chắn các bạn buồn và tiếc nuối nhưng đừng như tôi, vì tôi rất hối hận vì mình suy nghĩ quá bế tắc, gây stress nặng cho bản thân và phần nào ảnh hưởng đến sức khỏe nữa. Việc thất bại đã xảy ra, điều quan trọng là kế hoạch cho tương lai bằng một lối suy nghĩ khả quan và khỏe mạnh, tươi trẻ. Đừng bế tắc hay thất vọng mà tự tử là điều cực kỳ ngu xuẩn. Bạn bè hay thầy cô, người quen có ai coi thường bạn do thi rớt thì hãy liệt họ vào thành phần không đáng làm ta mất thời gian suy nghĩ tới. Ta là ta không ai ép ta điều gì cả. Vững lòng tin ở bản thân như kiềng ba chân, ai nói gì mặc kệ, không bị phân tâm mà ôn luyện trong sự vất vả, khổ sở. Mọi thứ đều hoàn bình thường.

Tôi giờ đây nghĩ lại thời gian đó thấy mình lúc đó thật yếu đuối, tại sao lại đẩy mình vô tâm trạng buồn bực cao độ như vậy, sao lại phải đấm và đập đầu vào tường. Trời ơi! Sao hồi đó tôi không thương tôi như bây giờ. Giờ tôi quý tôi lắm bạn ạ vì qua nhiều vấp ngã nên càng quý con người của bây giờ. Năm đó tôi đã thi đậu vào ĐHBK, và bạn bè trong nhóm ôn tại nhà và thầy cô quen thuộc đã đậu gần hết, còn nhóm đi tứ phương kia thì lại rớt đa số.

Giờ đây, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi muốn nói với các bạn rằng đại học không có gì là quá lớn lao mang tính quyết định cả, chỉ 4-5 năm để học thôi, bạn còn có cả đời để học kia mà, sao tiếc nuối khủng khiếp vậy. Sau 4-5 năm tôi được học kiến thức cơ bản về chuyên ngành mình học chỉ vậy thôi. Còn bên ngoài là cuộc sống bao la, còn nhiều thứ khác bạn phải học nữa và cái quyết định sự thành công trong cuộc sống lại chính đi từ lối suy nghĩ của bạn về cuộc sống. Lớn lên và hòa nhập hơn với xã hội bạn sẽ tìm ra nhiều phương cách để đi đến thành công cho riêng mình, đừng dại dột như ếch ngồi đáy giếng chỉ nghĩ bầu trời quá nhỏ bé, chật hẹp.

Đại học là môi trường đào tạo nghề nghiệp một cách lượng hóa và theo tiêu chuẩn của xã hội chứ nó không tạo ra tất cả những người tài giỏi. Bạn không vô được đại học thì bạn có thể đi học cao đẳng, trung cấp nghề,…, tùy theo khả năng và sở thích của bạn. Càng ngày xã hội càng chọn những lao động làm được việc chứ không phải ăn bám vào bằng cấp nữa nên nếu bạn có khả năng ở sở trường của mình thì dù bạn ở đâu thì giá trị của bạn đều được thể hiện và được dùng đến. Nhiều người học qua đại học nhưng không đúng với sở trường, họ lại bỏ và kiếm việc khác phù hợp hơn. Đại học cho bạn tiếp cận kiến thức nghề nghiệp một cách chuyên môn hơn thì đó là một thuận lợi cho bạn nhưng nó không quyết định hết.

Ba mẹ và người thân, thầy cô của học sinh thi rớt đại học, cao đẳng nên cho học sinh đó có cảm giác “đồng minh”, đừng trách móc hay thất vọng mà hãy xem đó là chuyện nhỏ. Bình tĩnh và sáng suốt chuẩn bị cho tương lai phù hợp vì nếu có ôn luyện thì một năm cũng không thành vấn đề cho cả đời người. Bên cạnh đó một năm ấy bạn còn học được ngoại ngữ, còn đi du lịch, khám phá sở trường bản thân, yêu thương ba mẹ trước khi học xa nhà chứ đâu phải cắm đầu cắm cổ học chỉ để thi.

Là cuộc sống có nhiều mặt khác nhau, đừng vì một mặt mà đánh mất các giá trị bản thân khác. Điều nên tránh là đừng đánh mất con người mình bạn nhé. Tôi vẫn hay tự nhủ “bản thân còn khỏe mạnh về tinh thần và thể chất thì tôi còn làm được tất cả”.


Tin liên quan

GIA SƯ ĐĂNG NHẬP

Back To Top

ĐĂNG KÝ TÌM GIA SƯ